Suy buồng trứng sớm là gì mà lại ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản? Nguyên nhân, biểu hiện và cách chữa trị ra sao? Suy buồng trứng có thai được không? Suy buồng trứng có phòng ngừa được không?… Thêm nhiều câu hỏi khác sẽ được Stafam tổng hợp và giải đáp trong bài viết sau đây.
Xem thêm: Các loại thuốc bổ trứng tốt nhất, phổ biến nhất hiện nay
Suy buồng trứng sớm là gì?
Suy buồng trứng sớm là tình trạng xảy ra khi chức năng buồng trứng bị suy giảm, không còn hoạt động bình thường trước tuổi 40.
Các chức năng nói đến của buồng trứng bao gồm sản xuất và lưu trữ trứng (nang noãn), sản xuất các hormone estrogen và progesterone. Hai hormone có vai trò rất quan trọng đối với nữ giới như phát triển các đặc điểm sinh dục nữ, điều hòa chu kỳ kinh, đặc biệt là sự thụ thai.
Khi chức năng bị ngừng hoạt động, trứng bị giảm đi về cả số lượng và chất lượng, nang noãn không thể phát triển đầy đủ các giai đoạn và dẫn đến không có sự rụng trứng mỗi tháng như bình thường. Các hormone estrogen và progesterone không được sản xuất ra, cơ thể bị rối loạn nội tiết tố và các vấn đề khác.
Do đó suy buồng trứng sớm dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe tổng thể cũng như sức khỏe sinh sản, vô sinh hiếm muộn.
Về mặt tên gọi, suy buồng trứng sớm là cách gọi cũ nhưng vẫn khá phổ biến. Tuy nhiên hiện nay trong chuyên môn thường gọi là suy buồng trứng nguyên phát, tiếng Anh là Primary Ovarian Insufficiency (viết tắt là POI).
Về độ tuổi mắc POI, thông thường nó chỉ có thể xảy ra ở phụ nữ dưới 40 tuổi và phổ biến hơn ở độ tuổi 30 so với tuổi thiếu niên và độ tuổi 20.
POI cũng có thể xảy ra ở cả người đã có con và những người chưa sinh con.
Suy buồng trứng sớm và mãn kinh sớm có khác nhau không?
Do có những triệu chứng giống nhau, suy buồng trứng sớm từng bị coi là mãn kinh sớm nhưng điều này không chính xác.
Suy buồng trứng sớm: Thường gặp ở độ tuổi dưới 40. Vẫn có thể có kinh nguyệt nhưng không đều hoặc thậm chí là vẫn đều; một số chức năng của buồng trứng vẫn hoạt động và do đó vẫn có thể rụng trứng; vẫn có thể có thai.
Mãn kinh sớm: thường gặp ở độ tuổi dưới 40; Không có kinh nguyệt; không có hiện tượng rụng trứng; không có thai.
Nguyên nhân suy buồng trứng là gì?
Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân chính xác của POI vẫn chưa được xác định và các cơ chế gây bệnh là rất phức tạp. Tuy nhiên có một số yếu tố được cho là có liên quan đến POI:
- Di truyền: Các bệnh liên quan đến bộ nhiễm sắc thể bất thường hoặc dị thường của từng gen. Chẳng hạn như Turner, hội chứng Fragile X hoặc galactosemia,…
- Rối loạn tự miễn dịch: Còn gọi là bệnh tự miễn, trong đó cơ thể tạo ra kháng thể tấn công các tế bào khỏe mạnh ở buồng trứng. Có thể gặp ở một số bệnh như Addison, viêm khớp dạng thấp, bệnh tuyến giáp,… từ đó kích thích sự phát triển POI. Một bệnh tự miễn dịch tạo ra kháng thể chống lại mô buồng trứng cũng có thể gây suy buồng trứng sớm.
- Các vấn đề với hormone ở buồng trứng, chẳng hạn như hormone kích thích nang trứng (FSH)
- Rối loạn ăn uống: Chế độ dinh dưỡng kém, tiêu hóa kém
- Các phương pháp điều trị ung thư như hóa trị và xạ trị ảnh hưởng đến buồng trứng
- Cắt bỏ tử cung
- Nhiễm trùng: Các nhiễm trùng gây tổn thương buồng trứng, như quai bị và HIV
- Tiếp xúc kéo dài với hóa chất, thuốc trừ sâu, khói thuốc lá và các chất độc khác
Dấu hiệu suy buồng trứng sớm là gì?
Phần lớn phụ nữ đều trải qua tuổi dậy thì bình thường tức là có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn trước khi bị POI.
Các triệu chứng suy buồng trứng sớm khá giống với triệu chứng của thời kỳ mãn kinh hoặc tình trạng nồng độ estrogen thấp.
Cụ thể là các biểu hiện như:
- Kinh nguyệt không đều hoặc bị mất kinh. Lưu ý rằng nó có thể tồn tại trong nhiều năm hoặc cũng có thể phát triển sau khi mang thai hoặc sau khi ngừng dùng thuốc tránh thai. Nhưng điều này không có nghĩa là việc sử dụng thuốc tránh thai đường uống gây ra POI.
- Khó khăn khi mang thai
- Nóng bừng và đổ mồ hôi đêm
- Khô âm đạo
- Ít ham muốn tình dục
- Dễ tức giận, trầm cảm hoặc lo lắng
- Khó tập trung hoặc trí nhớ kém
Suy buồng trứng sớm nguy hiểm không? Có thai được không?
Ảnh hưởng của suy buồng trứng sớm không chỉ liên quan đến vấn đề sức khỏe sinh sản mà cả những biến chứng hoặc các vấn đề khác.
Đối với việc thụ thai và sinh con
Suy buồng trứng sớm, buồng trứng không hoạt động bình thường thì estrogen không được sản xuất và do đó nang noãn không được phóng thích – tức là trứng không rụng được do đó có thể bị vô sinh.
Khi mắc suy buồng trứng sớm có nghĩa là bị giảm khả năng sinh sản. Điều này đặc biệt nghiêm trọng với người vẫn muốn có con.
Tuy nhiên với người không mất kinh hoàn toàn, tức là kinh nguyệt chỉ không đều, ít chu kỳ kinh, estrogen vẫn được sản xuất ra thì trứng vẫn có thể được phóng thích và do đó vẫn có thể mang thai theo cách tự nhiên.
Khoảng 1-2% người bị suy buồng trứng sớm vẫn có thể thụ thai và sinh con tự nhiên trong trường hợp không mất kinh hoàn toàn.
Lúc này estrogen vẫn được sản xuất ra và chất lượng trứng ổn, phát triển đầy đủ qua các giai đoạn và trứng được phóng thích ra giữa các chu kỳ kinh nguyệt bị bỏ qua.
Những biến chứng có thể xảy ra
Xương yếu (loãng xương) được cho là một biến chứng có thể xảy ra với người mắc POI. Tệ hơn, chứng loãng xương có thể làm tăng nguy cơ gãy xương.
Lúc này cần thiết phải giữ hệ xương khỏe mạnh thông qua bổ sung thêm canxi và vitamin D, tránh hút thuốc và tập thể dục thường xuyên hơn.
Nó có thể gây ra các triệu chứng khó chịu khác như stress, trầm cảm và lo lắng, ảnh hưởng tới sức khỏe chung của cơ thể. Nó cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim.
Chẩn đoán suy buồng trứng như thế nào?
Sự khởi phát của POI có thể đột ngột hoặc dần dần. Thông thường nhiều người không biết bị suy buồng trứng sớm cho tới khi đi thăm khám do khó mang thai. Chính vì vậy bạn cần kiểm tra sức khỏe nếu thấy lỡ kỳ kinh trong 3 tháng liền. Điều này có thể giúp phát hiện xem có phải bị POI hay các vấn đề khác về sức khỏe sinh sản.
Để xác định nguyên nhân không có kinh, bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành thu thập các chi tiết tiền sử gia đình cùng với đó là tiến hành khám, siêu âm, xét nghiệm máu,…
Siêu âm
Siêu âm có phát hiện suy buồng trứng không là điều nhiều bạn thắc mắc. Trên thực tế việc siêu âm qua ngã âm đạo có thể thấy được kích cỡ của buồng trứng.
Nếu bị POI, buồng trứng trông có vẻ nhỏ và không có dấu hiệu nang trứng phát triển, chỉ có thể nhìn thấy một vài nang. Trong trường hợp này nó có thể gọi theo cách dân gian là trứng lép.
Siêu âm cũng góp phần chẩn đoán phân biệt với các tình trạng có thể gây vô kinh nguyên phát hoặc thứ phát, chẳng hạn như buồng trứng đa nang hoặc các bất thường về giải phẫu liên quan đến chứng bất sản Müllerian hoặc hội chứng Asherman.
Xét nghiệm máu
Chỉ định xét nghiệm máu để xác định mức độ FSH (hormone kích thích nang trứng). FSH cao chính là một trong rất nhiều biểu hiện của chất lượng trứng kém.
Trong suy buồng trứng sớm, hormone FSH cao bất thường do tuyến yên trong não cố gắng kích thích buồng trứng nhưng chúng không phản ứng. Cùng với đó là nồng độ estrogen rất thấp hoặc bằng không. Mức AMH có thể không thể phát hiện được.
Nếu FSH quá cao, các xét nghiệm bổ sung để xác định kiểu nhân (dấu hiệu của một bộ nhiễm sắc thể hoàn chỉnh), cũng như để xác định kháng thể đối với các cơ quan khác của hệ thống nội tiết.
Điều trị POI ra sao?
Điều trị POI thường hướng đến việc giải quyết các vấn đề phát sinh do có quá ít estrogen. Phụ nữ bị suy buồng trứng sớm được kê đơn estrogen để giảm tác dụng phụ. Ví dụ như giảm chứng bốc hỏa và ngăn ngừa loãng xương.
Progesterone thường được kê đơn kết hợp với estrogen nhằm bảo vệ niêm mạc tử cung khỏi những thay đổi tiền ung thư do chỉ dùng estrogen. Tuy các hormone nói trên không phục hồi chức năng buồng trứng nhưng chúng có thể gây chảy máu âm đạo và phục hồi kinh nguyệt.
Đối với việc điều trị cho người bị POI mà vẫn muốn có con, có thể áp dụng các tiến bộ trong y học sinh sản. Sở dĩ người bị POI vẫn có khả năng sinh con đủ tháng vì tử cung còn nguyên vẹn và khỏe mạnh.
Đối với người có nguy cơ di truyền về suy buồng trứng sớm, có thể áp dụng biện pháp đông lạnh trứng trước khi họ bắt đầu nhận thấy chức năng buồng trứng bị suy giảm. Tiếp đó sự dụng trứng để thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Nếu không thể tự sản xuất trứng, IVF sử dụng trứng hiến tặng có thể được lựa chọn.
Trên đây là thông tin tìm hiểu suy buồng trứng sớm là gì, nguyên nhân, triệu chứng, ảnh hưởng nó đến sức khỏe và sinh sản cũng như chẩn đoán và điều trị.
Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không thay thế được ý kiến của bác sĩ. Chúc bạn luôn khỏe mạnh!
Xem thêm: Niêm mạc tử cung mỏng ảnh hưởng tới sinh sản ra sao?