Lạc nội mạc tử cung là gì ? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị ra sao? Lạc nội mạc tử cung ảnh hưởng tới khả năng sinh sản như sao và có thể chữa khỏi không? Cách phòng ngừa bệnh như thế nào? Cùng tìm hiểu về bệnh lạc nội mạc tử cung qua bài viết sau đây.
Lạc nội mạc tử cung được coi là bệnh phụ khoa hoặc bệnh lý của hệ thống sinh sản nữ. Mức độ phổ biến của nó chỉ đứng sau các bệnh viêm nhiễm và u xơ tử cung. Chủ yếu xuất hiện ở nữ giới độ tuổi sinh sản (25-40 tuổi). Cũng có thể xảy ra ở độ tuổi dậy thì và thời kỳ mãn kinh. Do đó mọi chị em cần tìm hiểu kỹ hơn về căn bệnh này.
Lạc nội mạc tử cung là gì?
Lạc nội mạc tử cung tiếng Anh là endometriosis, khác với từ endometrium (nội mạc tử cung). Lạc nội mạc tử cung là tình trạng các tế bào nội mạc tử cung phát triển vượt ra ngoài ranh giới của nó.
Niêm mạc tử cung có cấu tạo 2 lớp. 1 là lớp cơ bản và 2 là lớp chức năng – lớp lót. Có 2 trường hợp xảy ra:
- Khi không có thai: lớp lót thông thường sẽ chảy ra cùng với máu trong kỳ kinh nguyệt.
- Khi có thai: Phôi thai sẽ bám vào lớp lót và quá trình đào thải sẽ không xảy ra.
Tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân lớp lót này nằm không đúng chỗ. Ví dụ như nằm ở lớp cơ tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng. Thậm chí nằm ở các cơ quan bên ngoài hệ thống sinh sản (bàng quang, trực tràng, phúc mạc, thận, phổi,…). Điều này gọi là lạc nội mạc tử cung.
Hậu quả là dẫn đến tình trạng dày lên của lớp lót niêm mạc và vỡ ra, chảy máu theo mỗi kỳ kinh. Điều này gây đau bụng dữ dội, mất máu nhiều khiến cơ thể mệt mỏi.
Ảnh hưởng của lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung thuộc vào danh sách các bệnh ở tử cung thường gặp. Cùng với nó còn có viêm lộ tuyến cổ tử cung, polyp cổ tử cung, u xơ tử cung, ung thư cổ tử cung. Ảnh hưởng:
- Có khả năng xâm nhập vào các mô và cơ quan xung quanh gây nên sự phá hủy, di căn, có diễn biến mạn tính, tái phát.
- Nguy cơ lạc nội mạc tử cung thoái hóa thành khối ác tính tuy không lớn nhưng vẫn tồn tại.
- Có nguy cơ gây vô sinh ở nữ
- Các biến chứng khác bao gồm: kinh nguyệt không đều, dính trong khoang bụng, sảy thai tự nhiên, chuyển dạ yếu và chảy máu khi sinh con.
Nguyên nhân của lạc nội mạc tử cung
Nguyên nhân trực tiếp, chính xác của bệnh chưa được chỉ ra. Tuy nhiên có một số yếu tố thường được nhắc đến như là nguyên nhân gián tiếp:
- Kinh nguyệt trào ngược
- Biến đổi tế bào phúc mạc và tế bào phôi
- Sẹo sau giải phẫu ở tử cung gây bám dính
- Rối loạn hệ miễn dịch,…
Kinh nguyệt ngược
Theo đó trong thời kỳ kinh, máu kinh có chứa niêm mạc tử cung không đi ra ngoài mà chảy ngược vào trong. Đó có thể là vào buồng trứng, ống dẫn trứng, vào trong xoang chậu, bám vào các cơ quan khác nhau.
Chúng bắt đầu phát triển và tích tụ ngày càng dày lên, đồng thời gây ra hiện tượng chảy máu trong kỳ kinh, dẫn đến viêm nhiễm.
Hệ thống miễn dịch rối loạn
Hệ miễn dịch không có khả năng bảo vệ cơ thể do không phát hiện nội mạc tử cung đi lạc. Theo đó nó không phá hủy các tế bào này dẫn tới bệnh lạc nội mạc tử cung xuất hiện.
Can thiệp phẫu thuật
Việc thực hiện phẫn thuật trên tử cung gây tổn thương màng nhầy của nó (mổ, nạo, hút chân không, đốt ,…) sẽ để lại những vết sẹo. Vị trí vết mổ có thể bị nội mạc tử cung lạc bám vào và gây bệnh do mạch máu cũng như dịch mô ở tại vị trí này phát triển.
Biến đổi tế bào phúc mạc
Dưới tác động của các yếu tố nội tiết hoặc miễn dịch dẫn đến các tế bào của màng phúc mạc biến đổi thành tế bào nội mạc tử cung.
Rối loạn nội tiết tố
Lạc nội mạc tử cung phát triển do rối loạn hàm lượng và tỷ lệ của các hormone steroid (đặc biệt là trong thời kỳ mãn kinh).
Bệnh viêm và nhiễm trùng của hệ thống sinh dục
Một số bệnh viêm nhiễm đường sinh dục cũng gây lạc nội mạc tử cung.
Dấu hiệu lạc nội mạc tử cung
Đây là căn bệnh mãn tính và có thể lên quan tới nhiều vấn đề. Bao gồm như đau bụng kinh, đau vùng xương chậu, đau khi giao hợp, đau khi đi tiểu, chướng bụng, thiếu máu, vô sinh,…
Đau vùng chậu
Đây là triệu chứng chính của lạc nội mạc tử cung. Nó thường liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên mức độ đau không hẳn là dấu hiệu về mức độ phát triển của lạc nội mạc tử cung.
Lưu ý: Dấu hiệu đau khi bị lạc nội mạc có thể cũng giống như dấu hiệu bị đau ở một số bệnh lý khác. Ví dụ như đau khi viêm vùng chậu, u nang buồng trứng hoặc hội chứng ruột kích thích.
Một số người bị lạc nội mạc tử cung không có triệu chứng.
Đau bụng trong và ngoài kỳ kinh
Tình trạng đau nhức trong thời kỳ kinh nguyệt xảy ra ở 40-60% phụ nữ. Tổn thương lạc nội mạc tử cung thường chảy máu vào khoang u nang buồng trứng, làm tăng áp lực, kích thích phúc mạc, gây co cơ trơn mạch máu tử cung.
Kinh nguyệt không đều
Kinh nguyệt không đều là dấu hiệu của nhiều bệnh lý. Ở lạc nội mạc tử cung, chu kỳ kinh không đều và thay đổi tính chất của kinh nguyệt. Ví dụ như kinh nguyệt có mmàu nâu, có cục máu đông.
Đau vùng xương chậu
Tình trạng đau vùng xương chậu có thể bắt đầu trước kỳ kinh nguyệt và kéo dài nhiều ngày sau đó. Xảy ra ở 16-24% bệnh nhân.
Nó thường gây ra bởi tình trạng viêm và dính phát triển khi bị ảnh hưởng bởi lạc nội mạc tử cung.
Giao hợp đau đớn
Nhất là khi trống bàng quang hoặc trực tràng. Tình trạng này được thấy ở 2-16% bệnh nhân.
Lạc nội mạc tử cung khu trú ở các cơ quan vùng chậu. Ví dụ như trong âm hộ, khoang tử cung – trực tràng, vùng dây chằng tử cung cùng, thành vách ngăn trực tràng âm đạo. Từ đó có thể gây khó chịu, thậm chí đau trong hoặc sau khi quan hệ tình dục.
Đau khi đi tiểu
Nhiều khả năng gặp phải triệu chứng này trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt.
Lưu ý rằng đau khi đi tiểu cũng có thể thấy ở bệnh adenomyosis (bệnh cơ tuyến tử cung hay lạc nội mạc trong cơ tử cung). Hoặc ở nhiều bệnh khác (u xơ tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang),…
Chảy máu nhiều và thiếu máu
Do mất máu mãn tính trong kỳ kinh dẫn đến cơ thể luôn ở tình trạng thiếu máu. Biểu hiện như xanh xao hoặc vàng da, chóng mặt, mệt mỏi, buồn ngủ, khó chịu,…
Vô sinh
Đối với một số người, lạc nội mạc tử cung được phát hiện lần đầu tiên trong các xét nghiệm điều trị vô sinh. Cách thức và lý do vô sinh xảy ra khi bị ảnh hưởng bởi lạc nội mạc tử cung chưa được xác định.
Tuy nhiên nó được cho là có liên quan tới các quá trình trong phần phụ của tử cung bị lạc nội mạc tử cung. Từ đó làm gián đoạn hoạt động của tình trạng miễn dịch chung và cục bộ. Kết quả là làm gián đoạn quá trình rụng trứng.
Các triệu chứng khác của lạc nội mạc tử cung
Triệu chứng khác của lạc nội mạc tử cung phổ biến hơn trước hoặc trong kỳ kinh:
- Mệt mỏi
- Tiêu chảy, táo bón
- Đầy hơi, buồn nôn
Lưu ý rằng tình trạng này có thể gặp nhiều hơn ở phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh.
Phân loại lạc nội mạc tử cung
Bệnh có thể phân loại theo vị trí xuất hiện hoặc mức độ tổn thương của nó.
Phân loại theo vị trí xuất hiện
Do sự đa dạng của các vị trí mà lạc nội mạc tử cung xuất hiện, việc phân loại là cần thiết giúp cho việc tìm ra nguyên nhân và điều trị hiệu quả hơn.
Lạc nội mạc ở cơ quan sinh dục
Nằm bên ngoài tử cung
- lạc nội mạc tử cung buồng trứng
- lạc nội mạc tử cung ở ống dẫn trứng
- lạc nội mạc tử cung phúc mạc vùng chậu
- lạc nội mạc tử cung của vách ngăn trực tràng và âm đạo
Nằm bên trong tử cung
- Lạc nội mạc cơ tử cung (hoặc adenomyosis)
Lạc nội mạc ngoài cơ quan sinh dục
- lạc nội mạc tử cung đường ruột
- lạc nội mạc tử cung của vết sẹo da
- lạc nội mạc tử cung khác như phổi, màng phổi, tuyến nước bọt, tuyến lệ, cơ quan tiết niệu, rốn,…
Phân loại theo mức độ
Tùy theo mức độ tổn thương để phân loại theo cấp độ như sau:
- Độ 1: tổn thương bề mặt đơn lẻ
- Độ 2: các tổn thương sâu hơn
- Độ 3: có nhiều ổ lạc nội mạc tử cung sâu, u nang nhỏ, dính phúc mạc mỏng
- Độ 4: nhiều tổn thương sâu, u nang buồng trứng lớn 2 bên, dính dày đặc các cơ quan, xâm lấn âm đạo hoặc trực tràng.
Các câu hỏi thường gặp về lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung có di truyền không?
Có. Nếu một người khác trong gia đình (mẹ, bà, chị gái bị lạc nội mạc tử cung) hãy gặp bác sĩ chuyên môn để kiểm tra thăm khám nguy cơ của bạn.
Bị lạc nội mạc tử cung có thai được không?
Có. Lạc nội mạc tử cung vẫn có thể có thai nhưng khả năng không có thai khá cao và tùy theo mức độ bệnh. Có tới 70% phụ nữ bị tổn thương nội mạc tử cung có thai và sinh con mà không có biến chứng.
Có thể có thai tự nhiên khi bị lạc nội mạc tử cung không?
Có thể. Tuy nhiên cần có ít nhất hai điều kiện:
- Sự bình thường của đường ống dẫn trứng (ít nhất một).
- Không có các tổn thương ở tuyến sinh dục (tức là không bị ngăn cản rụng trứng
Do đó khi có kế hoạch mang thai, cần phải tiến hành chẩn đoán và kiểm tra sức khỏe để đảm bảo không có những vấn đề này.
Lạc nội mạc tử cung nặng muốn có thai có cần phẫu thuật không?
Có. Trong trường hợp các dạng lạc nội mạc tử cung tiến triển, cần phải điều trị bằng phẫu thuật. Điều này để loại bỏ u nang hoặc dính nội mạc tử cung trước khi chuẩn bị có thai.
Phẫu thuật này đồng thời cải thiện khả năng sinh sản và tăng cơ hội thụ thai thành công. Sau khi can thiệp phẫu thuật, nên cố gắng thụ thai tự nhiên trong năm đầu tiên. Vì nếu làm điều này muộn hơn, cơ hội mang thai sẽ giảm đi.
Nếu khó khăn hơn có thể cần các phương pháp điều trị sinh sản như IVF.
Lạc nội mạc tử cung có chữa khỏi không?
Chưa có cách chữa trị lạc nội mạc tử cung hoàn toàn. Việc điều trị thường nhằm mục đích kiểm soát các triệu chứng.
Lạc nội mạc tử cung có tự khỏi được không?
Có thể. Trong một số ít trường hợp lạc nội mạc tử cung có thể tự khỏi. Theo đó cùng với thời gian thì các tổn thương lạc nội mạc tử cung đôi khi có thể nhỏ hơn. Điều này có thể xảy ra sau thời kỳ mãn kinh. Nó cũng thường liên quan đến việc giảm lượng estrogen trong cơ thể.
Nếu không điều trị lạc nội mạc tử cung thì có sao không?
Nếu mô giống nội mạc tử cung phát triển bên ngoài tử cung nó có thể gây ra u nang, dính và mô sẹo. Hậu quả là người bệnh bị đau lâu dài (mãn tính). Nếu bạn còn trẻ thì sẽ phải đối mặt với nguy cơ vô sinh hiếm muộn.
Có thể bị ung thư do lạc nội mạc tử cung không?
Có. Có nguy cơ nhẹ với sự phát triển ung thư buồng trứng biểu mô. Tuy nhiên rủi ro này rất thấp.
Cách ngăn ngừa bệnh lạc nội mạc tử cung là gì?
Lạc nội mạc tử cung không phải là tình trạng có thể ngăn ngừa được hoàn toàn. Tuy nhiên một số cách dưới đây có thể giảm bớt nguy cơ.
- Thăm khám bác sĩ phụ khoa thường xuyên (6-12 tháng/lần)
- Ổn định mức độ hormone hay ổn định nội tiết tố
- Không sinh hoạt tình dục trong thời kỳ kinh nguyệt
- Không phá thai và các thao tác tác động đến tử cung không cần thiết (kiểm tra khoang tử cung bằng tay)
- Hạn chế hoạt động thể chất quá mức trong thời kỳ kinh nguyệt
- Không nên sử dụng biện pháp tránh thai không phù hợp.
Trên đây là một số thông tin về bệnh lạc nội mạc tử cung là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng và điều trị cũng như liên quan của lạc nội mạc tử cung tới khả năng sinh sản. Stafam sẽ tiếp tục chủ đề này trong các bài viết tiếp theo để bạn tham khảo.
Các thông tin trong bài không chỉ mang tính chất tham khảo và không thay thế được việc chẩn đoán và điều trị bệnh theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.